Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết có hai ngân hàng được giao hạn mức (room) tín dụng cao hơn so với ngành lên tới 24% là MBBank và VPBank.
MBBank, với kế hoạch tham gia tái cấu trúc một tổ chức tín dụng yếu kém, đã đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong quý 2/2023 (tăng trưởng 6,49% so với quý trước) khi giới hạn tín dụng tốt hơn so với ngành (xấp xỉ 24%).
Trường hợp tương tự với VPBBank (tăng trưởng tín dụng đạt 5,0% so với quý trước và với xấp xỉ 24% hạn mức cho năm 2023) chủ yếu nhờ thanh khoản dồi dào sau thương vụ bán 15% vốn cho SMBC.
Các ngân hàng còn lại đều có room tín dụng dưới 15% gồm ACB, Techcombank, VIB, Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, HDBank và Sacombank.
Báo cáo của VnDirect cho biết, tại thời điểm cuối quý 2/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm – thấp hơn mức tăng 9,4% tại cuối quý 2/2023, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 3,17% tại cuối tháng 5/2023.
Trong quý 2/2023, TechcomBank, HDBank cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại khi cả hai ngân hàng đều đã gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng năm 2023 (tăng trưởng tín dụng của TechcomBank và HDBank chỉ đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước).
Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong quý 2/2023 (ACB: 5,51%; VIB: 2,19% so với quý trước), cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ từ nhu cầu tiêu dùng.
Cho nửa cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VnDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/23 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.
Theo CafeLand