Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng xây dựng, phát triển Phú Quốc là nhiệm vụ chung của cả nước để đưa đảo ngọc này lên tầm cao mới.
Ngày 31.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết việc thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5.10.2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.
Phát triển vượt bậc, giữ vững vị trí đầu tàu của tỉnh
Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết sau gần 20 năm thực hiện Quyết định số 178 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Phú Quốc đã phát triển vượt bậc, giữ vững vị trí đầu tàu của tỉnh, trở thành động lực phát triển không chỉ đối với Kiên Giang mà còn đối với ĐBSCL và cả nước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 19,6%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm về nông nghiệp. Nếu năm 2004, tổng thu ngân sách của Phú Quốc chỉ đạt hơn 38,5 tỉ đồng, thu không đủ chi, thì đến năm 2023 tổng thu ngân sách đạt hơn 7.812 tỉ đồng. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho tỉnh Kiên Giang.
Từ một địa phương không có dự án đầu tư nào, đến năm 2023, Phú Quốc đã thu hút 321 dự án với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỉ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, số vốn đăng ký tăng 383 lần so với năm 2004.
"Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỉ đồng, tăng gần 64 lần với năm 2004; trong đó nổi bật là phát triển du lịch. Từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 chỉ có trên 130.000 lượt khách du lịch, đến năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt du khách. Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế... Về an sinh xã hội, năm 2004 Phú Quốc có tỷ lệ hộ nghèo 2,36%, đến cuối năm 2023 giảm còn 0,18%", ông Bình cho biết thêm. Tại hội nghị, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ cần có quyết định phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; xem xét tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho Phú Quốc. Về hạ tầng, cần có chính sách hỗ trợ cho Phú Quốc đầu tư triển khai đường ven biển dài hơn 26 km với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng và đường vành đai ven rừng với tổng vốn khoảng 920 tỉ đồng. Đồng thời, cho phép các chuyến bay quá cảnh đến Phú Quốc và cho phép người Việt Nam vào chơi casino sau thời gian thực hiện thí điểm ở Phú Quốc.
Phát triển Phú Quốc lên tầm cao mới
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vị trí và tầm quan trọng của Phú Quốc trong bản đồ du lịch thế giới. Phú Quốc có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng nên Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có cơ chế, chính sách phát triển xuyên suốt, trong đó có Quyết định số 178.
Thủ tướng nêu "6 cái hơn" của Phú Quốc sau 20 năm thực hiện Quyết định số 178, đó là: tiềm lực tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao hơn; thời cơ thuận lợi nhiều hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức không ít của Phú Quốc trong việc phát triển nhanh bền vững, phát triển xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và kinh tế chia sẻ. Phú Quốc chưa phát triển xứng tầm, phát triển nóng, phát triển chưa bền vững, hạ tầng phát triển chưa đồng bộ. Tiềm năng lớn nhưng chính sách còn hạn hẹp, nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Cơ chế huy động nguồn lực chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển. Một bộ phận người dân đời sống còn khó khăn.
Thủ tướng nêu rõ: "Phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của tỉnh Kiên Giang hay của Phú Quốc, mà đó là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, cùng quan tâm đầu tư phát triển Phú Quốc, thúc đẩy sự phát triển của Kiên Giang và ĐBSCL. Phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững. Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế và phát triển Phú Quốc thành thành phố hiện đại - văn minh, xanh - sạch - đẹp - an toàn và là nơi đáng sống. Khơi dậy và nâng cao khát vọng phát triển Phú Quốc trong cán bộ, lãnh đạo, hệ thống chính trị và người dân để phát triển Phú Quốc lên tầm cao mới. Cần chọn trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các động lực tăng trưởng mới để phát triển. Phát triển hài hòa gắn kết kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để nhà đầu tư đến an tâm đầu tư".
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ Phú Quốc; phân cấp, phân quyền cho Phú Quốc phát triển.
Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo: ThanhNien